Tin Tức

Chủ tịch FIFA ra đi - đòn hiểm của Mỹ với Nga

"Vì sao tôi phải từ chức? Làm vậy thì thành ra tôi thừa nhận tôi đã làm sai", Sepp Blatter tuần trước nói. Nhưng 4 ngày sau khi tái đắc cử, chủ tịch FIFA ủng hộ Nga đăng cai World Cup lại rời bỏ chiếc ghế quyền lực trong sự ngỡ ngàng của Moscow.

File Đính kèm
0725-fifa-russia-970-630x420-1-3732-1433

Sepp Blatter (trái) và Tổng thống Nga Putin trong lễ trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga hồi tháng 7/2014. Ảnh: AP

Sepp Blatter, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) trong 17 năm và được coi là một trong những người quyền lực nhất trong giới thể thao toàn cầu, đã từ chức chỉ vài ngày sau khi tái đắc cử. Ông thông báo quyết định của mình ở Zurich, khi các quan chức hành pháp Mỹ xác nhận ông cũng là đối tượng trong cuộc điều tra hành vi tham nhũng của quan chức liên đoàn.

Đối với Nga, sự ra đi của Blatter là một tin xấu. Cựu chủ tịch FIFA luôn đứng về phía Moscow khi một số nước phương Tây chỉ trích việc Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018 cách đây 4 năm. Tháng trước, ông từ chối đề nghị từ 13 thượng nghị sĩ Mỹ về việc tước quyền đăng cai của Nga.

Trong khi phương Tây và Nga đang mâu thuẫn về khủng hoảng Ukraine, Blatter cho rằng không nên đánh đồng thể thao với chính trị. "Nếu một vài chính trị gia không vui vì chúng tôi tổ chức World Cup tại Nga, thì tôi sẽ nói với họ 'vậy thì các ông ở nhà đi'", Blatter từng nói.

Sự ủng hộ của Blatter đối với Nga khiến một số quan chức phương Tây bất bình. Hai thượng nghị sĩ Mỹ, Bob Menendez và John McCain, hôm 26/5 kêu gọi FIFA không bầu ông Blatter ngồi lại vào ghế chủ tịch liên đoàn vì "Blatter tiếp tục hỗ trợ" Nga đăng cai World Cup 2018. Moscow là bên hân hoan khi Blatter tái đắc cử và ngỡ ngàng khi ông quyết định từ chức.

"Tôi bị sốc", Vyacheslav Koloskov, chủ tịch danh dự của Liên đoàn Bóng đá Nga nói. "Blatter đã đứng vững và đã tái đắc cử. Mọi người tận mắt chứng kiến ông ấy nhận được những lời chúc mừng. Vậy mà vài ngày sau đó, ông ấy lại đưa ra quyết định này".

Sức ép gia tăng

Giám đốc điều hành của Leverage, công ty thể thao và vui chơi giải trí tại New York cho rằng việc Blatter từ chức "báo hiệu cho những cuộc điều tra xa hơn".

Mỹ là bên dẫn đầu việc điều tra bê bối tham nhũng của FIFA, tuy nhiên, chỉ đến hôm qua, FBI mới nhập cuộc cùng các công tố viên Thụy Sĩ xem xét liệu có khuất tất nào trong quá trình tranh quyền đăng cai World Cup của Nga và Qatar hay không.

Khi vụ bê bối nổ ra vào tuần trước, nhiều quan chức Nga đã bác bỏ việc gian lận và cho rằng cuộc điều tra của Mỹ nhằm mục đích chính trị. "Không nghi ngờ gì, nếu World Cup 2018 được tổ chức tại Mỹ chứ không phải Nga, thì sẽ chẳng có vụ bắt giữ nào", Vasily Shestakov, một nhà lập pháp Nga nói, nhắc đến vụ bắt các quan chức FIFA tại Zurich hôm 27/5. Các lãnh đạo này đang phải đối mặt với tội danh nhận hơn 100 triệu USD tiền hối lộ.

Theo Sierra Leone Times, Gavin Hamilton, tổng biên tập Tạp chí Bóng đá Thế giới, cho rằng Nga thật sự phải lo ngại khi Mỹ và Thụy Sĩ đang tích cực điều tra xa hơn.

"Có nghi ngờ về việc đấu thầu của Nga. Qatar, nước tranh đăng cai năm 2022 và Tây Ban Nha /Bồ Đào Nha, hai nước muốn đồng tổ chức World Cup 2018 đã thỏa thuận hợp tác để trao đổi phiếu bầu với nhau. Nhờ vậy, Qatar giành được phiếu bầu từ những người ủng hộ Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha và chiến thắng. Trong khi đó, phiếu bầu từ những người ủng hộ Qatar lại không dành cho Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha mà vào tay Nga. Bằng cách nào đó, Moscow đã thuyết phục được ủy ban rằng họ xứng đáng hơn Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha", Hamilton giải thích.

FIFA năm ngoái giao cho luật sư Mỹ Michael Garcia nhiệm vụ điều tra cáo buộc Nga và Qatar gian lận. Theo Hamilton, Nga tỏ ra không hợp tác với Garcia. "Ông ấy thậm chí không được nói chuyện với những người có liên quan đến việc bỏ thầu của Nga, vì họ từ chối cho phép ông ấy nhập cảnh. Sau đó, họ nói rằng máy tính được sử dụng trong quá trình đấu thầu đã bị phá hủy", Hamilton nói. "Nga đã làm tất cả mọi thứ để cản trở việc điều tra".

Theo WSJ, khi Nga và Qatar mất đi người ủng hộ mạnh mẽ nhất là Blatter thì FIFA sẽ phải đối mặt với thêm nhiều sức ép, nhất là từ các nước phương Tây, yêu cầu bầu lại nước đăng cai hai kỳ World Cup.

Liên đoàn Bóng đá Anh đã thôi thúc FIFA tổ chức bỏ phiếu lại. Ukraine cũng là bên muốn Nga không được đăng cai World Cup. Tổng thống Petro Poroshenko viết rằng việc từ chức của Blatter cho thấy "những quyết định xuất phát từ tham nhũng" của FIFA có thể sẽ bị hủy bỏ. Ông Poroshenko trước đó đã kêu gọi các nước tẩy chay nếu giải đấu được tổ chức tại Nga.

Thực chất, việc thay đổi địa điểm tổ chức World Cup từng xảy ra trong lịch sử. World Cup năm 1986 diễn ra tại Mexico thay vì Colombia, vì chính quyền Colombia năm 1982 xin rút do khó khăn kinh tế và bất ổn chính trị.

Theo luật sư và nhà báo điều tra Thụy Sĩ Jean-Francois Tanda, trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, Tây Ban Nha/ Bồ Đào Nha đã về thứ hai và có thể có quyền hợp pháp để thay thế Nga, tuy nhiên hai nước này đang gặp khó khăn kinh tế. Các nước châu Âu lớn như Anh, Đức và Pháp mới có đủ cơ sở hạ tầng để tổ chức giải đấu trong thời gian gấp rút.

David Bernstein, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh cho rằng nếu cuộc điều tra phát hiện ra Nga đã gian lận thì Anh nên đấu thầu lại. "Trên một sân chơi bình đẳng, chúng ta sẽ có cơ hội", Telegraph dẫn lời Bernstein nói. Anh có sẵn sân vận động, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm từ việc tổ chức Thế vận hội Olympics London 2012.

Mỹ là nước về nhì trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022. Nếu Qatar bị truất quyền thì Mỹ rất có thể sẽ là bên thay thế. Nước này có sẵn nhiều sân vận động và cơ sở hạ tầng. Rất nhiều nhà tài trợ World Cup cũng có trụ sở tại Mỹ.

"Đòn hiểm"

Giới chuyên gia cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ càng xấu thêm khi Blatter từ chức. Truyền thông Nga dậy sóng với sự ra đi của Blatter và đổ lỗi cho Mỹ.

"Họ đánh vào FIFA nhưng nhằm vào Nga" là tít trang nhất của tuần báo Argumenty I Fakty. Tờ này khẳng định "mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và phương Tây là lý do thật sự đằng sau vụ việc".

Nhật báo Rossiiskaya Gazeta cũng viết "người Mỹ không bao giờ từ bỏ nỗ lực lật đổ người họ không thích". "Và lần này họ cũng không chịu từ bỏ, mặc dù Blatter đã có lợi thế áp đảo. Đây rõ ràng là một cú đánh hiểm", tờ này khẳng định.

Một nhà báo ở RIA Novosti nói rằng cuộc điều tra vụ bê bối hoàn toàn là một phép thử của Mỹ để đánh lạc hướng chú ý của công chúng khỏi những cáo buộc về việc nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Trong khi đó, tổng biên tập Tạp chí Bóng đá Thế giới Hamilton lại cho rằng cuộc điều tra của Mỹ thực chất không phải được thúc đẩy bởi mong muốn trừng phạt Nga và nhấn mạnh rằng Mỹ từ trước đến nay đã tập trung vào điều tra cáo buộc tham nhũng trong các tổ chức bóng đá khu vực châu Mỹ và Carribean, CONCACAF. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vụ bê bối FIFA ngày càng làm quan hệ hai nước thêm giá lạnh ngay trước thềm cuộc họp G7, nơi Mỹ dự kiến sẽ thúc giục các lãnh đạo châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga.

Azzmy Megahed, phát ngôn viên Liên đoàn Bóng đá Ai Cập, nhận định cơ hội đăng cai World Cup 2022 của Qatar đã "bị thu hẹp đáng kể" với việc từ chức của ông Blatter. Tuy nhiên, trong trường hợp của Nga, thời gian không đứng về phía các nhà điều tra.

"Nga đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Chúng ta chỉ còn ba năm nữa là đến World Cup 2018, vì vậy, chuyển sang địa điểm khác sẽ là vấn đề rất phiền phức và tiêu tốn chi phí pháp lý rất lớn", Hamilton nói.

Các quan chức Nga cho biết việc chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức sẽ không có tác động đến công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho World Cup của nước này. Giới chức quả quyết rằng sẽ không có chuyện thay đổi nước đăng cai.

"Đây không phải vấn đề về Nga hay Qatar, mà là sự tôn trọng các cầu thủ", Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nói. "Bất kỳ sự can thiệp chính trị nào vào bóng đá đều là bất hợp pháp. Việc chuẩn bị của chúng tôi đang diễn ra rất tốt, tốt hơn nhiều so với một số quốc gia từng đăng cai khác. Chúng tôi đã học được từ họ".

Khi được hỏi về khả năng hủy bỏ hoặc tẩy chay giải đấu, phát ngôn viên của Liên đoàn Bóng đá Nga Yevgeny Dzichkovsky tuyên bố cần phải rạch ròi giữa bóng đá và chính trị. Ông nói thêm rằng Thế vận hội mùa đông Sochi cho thấy Nga có thể tổ chức các cuộc thi quốc tế với "chất lượng cao". "Tại sao lại muốn từ bỏ một kỳ World Cup ở một quốc gia đã sẵn sàng tổ chức?", ông nói.

Tuy hết sức bác bỏ nguy cơ có thể mất World Cup, người Nga vẫn lo lắng về những thay đổi của FIFA trong vài tháng tới, nhất là khi liên đoàn bầu được chủ tịch mới. "Bạn không thể phủ nhận sự kiên định của người Mỹ", phát thanh viên truyền hình Nga Vladimir Soloviev viết trên Twitter. "Họ buộc Blatter phải ra đi. Ông ấy đã từ chức. World Cup 2018 ở Nga đang bị đe dọa".

Phương Vũ

Gửi ý kiến

Scroll